Nội dung

LÀM THẾ NÀO ĐỂ – LẬP KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN BẢN THÂN CHO NĂM MỚI – ĐƠN GIẢN TRONG 3 BƯỚC ?  

BƯỚC 1: TƯ DUY – BẮT ĐẦU BẰNG SỰ MINH ĐỊNH

Sự minh định = Sự xác định một cách sáng suốt. 

“Trong thời đại của chúng ta, điều triệt để là chọn cách ngồi yên và im lặng, chống lại sự bận rộn, chuyển động không ngừng và tiếng ồn, và lấy lại sự tỉnh táo và nhân văn bằng cách trở về nhà với chính mình”.

– Sumi Loundon Kim

Một kế hoạch phát triển bản thân cũng tương tự như việc lập một bản kế hoạch kinh doanh, chắc chắn sẽ kéo theo nhiều loại hoạt động, đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực khác nhau để có thể gặt hái được sự thành công. 

Vậy nên, điểm xuất phát sẽ vô cùng quan trọng, nếu làm hỏng bước đi đầu tiên này, mọi bước kế tiếp có thể sẽ không mang lại cho bạn kết quả mà bạn mong muốn !

Để làm điều này một cách sáng suốt, bạn cần một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân mình, thực sự yên tĩnh, … đủ để giúp bạn tĩnh tâm nhìn lại chặng đường đã qua và nhìn lại con người mình ở thời điểm hiện tại, từ đó bạn mới có được sự minh định cần thiết cho những gì bạn định hướng cho mình trong giai đoạn kế tiếp. 

NÊN

Tìm kiếm, tham khảo thông tin có nguồn gốc rõ ràng về việc phát triển bản thân, tìm hiểu tác giả của những bài viết và xác minh nguồn gốc chân thực của thông tin mà họ cung cấp.

KHÔNG NÊN

Chạy theo xu hướng của đám đông hoặc bất kể nội dung gì bạn tìm thấy trên Google hay MXH mà thiếu sự quán xét (Đa phần những bài viết trên Google hay MXH chỉ thuần tuý là nội dung quảng cáo cho những tổ chức, công ty hoạt động vì lợi nhuận nào đó đứng đằng sau). 

BƯỚC 2: PHƯƠNG PHÁP – THỰC HÀNH LẬP KẾ HOẠCH

“If you fail to plan, you are planning to fail” (Nếu bạn thất bại trong việc lập kế hoạch, bạn đang lập kế hoạch cho sự thất bại”.

  • Benjamin Franklin 

Một kế hoạch hoàn hảo sẽ chẳng mang lại lợi ích gì nếu người thiết kế lên bản kế hoạch đó là một ai đó khác, mà không phải là chính bạn. 

Bạn phải là nhà thiết kế chính cho bản kế hoạch cuộc đời của chính bạn.

Mọi sự khởi đầu mới mẻ đều thường bắt đầu từ 3 việc: nhìn nhận lại quá khứ, quan sát hiện tại, và định hướng cho tương lai. 

Bạn cần nhìn nhận lại những điểm cộng, điểm trừ, điểm mạnh, điểm yếu; những gì đã đạt được và những gì chưa đạt được, những gì mong muốn đạt được, … để chuẩn bị cho mình một định hướng đúng đắn cho sự phát triển bản thân trong giai đoạn kế tiếp. 

Để thực hiện điều này một cách đơn giản nhất, bạn có thể xây dựng 1 bảng bao gồm 3 cột (quá khứ – hiện tại – tương lai) và 2 hàng (điểm cộng – điểm trừ ). 

Liệt kê tất cả những gì bạn quan sát được ở bản thân mình cho 2 cột (quá khứ – hiện tại) và 2 hàng (điểm cộng – điểm trừ ), ….

Như vậy, cột 3 (tương lai) sẽ bao gồm những việc bạn có thể mong muốn cải thiện cho phiên bản tương lai của mình trong thời gian sắp tới, dựa trên sự quan sát 2 phiên bản quá khứ và hiện tại.

NÊN

Tập trung vào sự ngắn gọn, rõ ràng và chân thật nhất trong những điều bạn viết về mình. Bạn đang tạo một danh sách để phát triển bản thân cho chính mình, chứ không phải tạo ra một danh sách để tạo ấn tượng với những người khác.

KHÔNG NÊN

Không nên tạo một danh sách những ước muốn quá vĩ đại, quá khó khăn thử thách, hay quá xa rời thực tế. 

Một kế hoạch phát triển bản thân là một kế hoạch hướng đến sự tập trung phát triển thêm những điểm mạnh (điểm cộng) và cải thiện những điểm yếu (điểm trừ), chứ không hướng đến việc tạo nên những thay đổi điên rồ một cách ngoạn mục khi bạn chưa thực sự sẵn sàng cho chúng !

BƯỚC 3: CÔNG CỤ – CHUẨN BỊ CHO SỰ THAY ĐỔI

“Đừng nghĩ rằng thực hành của bạn là đúng hay sai. Đơn giản chỉ cần đem toàn bộ trái tim của bạn cho việc thực hành của bạn”.

– Michael Stone

Hãy bắt đầu bằng một công cụ giúp bạn lập kế hoạch một cách đơn giản – rõ ràng và cụ thể. Hãy tìm đọc về các bài viết hướng dẫn lập To-Do-List (bản danh sách hành động), tìm cách học hỏi một ứng dụng (app) giúp tạo To-Do-List và lập một To-Do-List cho riêng mình dựa trên danh sách những điều bạn muốn cải thiện ở BƯỚC 2.

Kế hoạch phát triển bản thân không tránh khỏi bao gồm những thay đổi, một thay đổi lại dẫn đến những thay đổi khác cần phải cải thiện, … 

Não bộ của chúng ta không thích những sự thay đổi bên ngoài “vòng an toàn”, đó là lý do khiến cho sự thay đổi trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp đối với đại đa số mọi người. 

Để sự thay đổi có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng, bền vững và hiệu quả, bạn cần xây dựng từng bước một cho sự thay đổi, biến chúng thành các thói quen. 

Để hình thành một thói quen, bạn hãy bắt đầu thực hiện To-Do-List với “Nguyên tắc 2 phút”: 

– Mỗi khi chán nản hoặc không hứng thú với một việc nào đó trong bản kế hoạch, hãy tự nhủ rằng mình sẽ chỉ làm việc đó trong vòng 2 phút, và bắt tay vào thực hiện ngay. 

– Khi bạn bắt đầu, cảm hứng có thể xuất hiện sau đó khiến bạn tự nguyện muốn làm việc này lâu hơn dự kiến. 

– Cuối cùng, khi nguồn cảm hứng đã được khơi thông, bạn cứ đơn giản “go with the flow” để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên.

NÊN

Tập trung vào việc hình thành thói quen thay đổi trước.

Nếu thất bại, không sao cả, hãy thử thêm một lần nữa.

Chuẩn bị cho mình những phần thưởng nho nhỏ để tự thưởng cho bản thân đối với mỗi thành quả nhỏ bé bạn gặt hái được. Não bộ sẽ ghi nhớ những cảm xúc tích cực này và sẽ khích lệ bạn tiếp tục chinh phục những mục tiêu kế tiếp.

KHÔNG NÊN

Đừng kỳ vọng vào kết quả nhanh chóng ngay từ những ngày đầu tiên, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của nhiều bản kế hoạch.

Không nên suy nghĩ tiêu cực hay phán xét bản thân, không ai phán xét bạn trong kế hoạch phát triển bản thân của bạn cả, ngoài chính bạn !

——-

Tham khảo thêm những bài viết khác cùng tác giả:

#TaMinhTrai