Nội dung

MỘT MẨU ĐỐI THOẠI VỀ ĐAM MÊ

HỎI:

Anh Trãi, cho em hỏi 1 tí là từ lúc anh đứng lớp chia sẻ nhiều thì anh còn đụng đến vẽ nữa không anh? thời gian đó anh phát hiện ra niềm đam mê của mình hay sao anh? anh sắp xếp giữa việc thiết kế với diễn thuyết hay là sao? em không hiểu lắm, nếu 1 điều mà khoảng thời gian trước mình xem là đam mê nhưng sau đó mình lại cảm thấy dường như đó không hẳn là đam mê thì mình phải điều chỉnh như thế nào? hay là rẽ lối? thời gian sẽ cho em câu trả lời chăng ?

Tạm dịch: “Thiết kế tốt thì hiển lộ. Thiết kế vĩ đại thì vô hình” – Joe Sparano.

ĐÁP:

Bạn thân mến,

Câu hỏi về đam mê luôn là một câu hỏi đầy thách thức, và không dễ trả lời 🙂

Tuy nhiên, đó cũng luôn là câu hỏi khơi gợi nên nhiều góc cạnh thú vị !

Nhờ câu hỏi của bạn, anh cũng suy nghĩ và tự đặt thêm những câu hỏi cho chính mình và trả lời, đây cũng là cách anh yêu thích để đối thoại sâu hơn với chính bản thân. Hy vọng chúng sẽ hữu ích cho bạn !

Câu trả lời của anh như thế này: 

Từ lúc anh cảm thấy mình bắt đầu độc lập trong suy nghĩ, tự chịu trách nhiệm và lựa chọn con đường cho riêng mình, trải qua nhiều thử nghiệm trong cuộc sống, … từ việc sống như một sinh viên làm đủ mọi công việc ở xứ người, cho đến làm công việc thiết kế từ chân sai vặt cho đến đủ những vị trí khác nhau ở các môi trường khác nhau, rồi đến ADC Academy & TaDang Studio, … công việc anh cảm thấy mình yêu thích nhất, đam mê nhất, gồm 3 loại việc chính:

– Tương tác, quan sát, cảm nhận và thẩm thấu những ý tưởng, 

– Khơi gợi, tạo ra những suy nghĩ sáng tạo,

– Tìm cách hiện thực hoá những ý tưởng và chia sẻ nó đến cho mọi người.

Tuy những hình thái qua từng giai đoạn có khác nhau, nhưng khi có thời gian quan sát và kết nối lại, anh thấy chúng hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau, mà trái lại, tất cả đều chỉ là một.

Nên đối với một số loại công việc, có một số khoảng thời gian anh tạm gác lại, để thử nghiệm một hình thái mới, rồi sau đó quay trở lại hoặc tìm kiếm một vài hình thái khác, mới hơn để hiện thực hoá đam mê của mình ở những cấp độ khác nhau.

Tạm dịch: “Mọi hoạt động sáng tạo đều bắt đầu từ một hoạt động phá huỷ nào đó” – Pablo Picasso.

Khi còn là sinh viên thiết kế ở Pháp, anh đã rất yêu thích việc đọc và nghiền ngẫm những tựa sách về thiết kế, về ý tưởng, về sáng tạo, anh cảm thấy chúng thật đẹp và đầy cảm hứng, ước ao một ngày nào đó có thể chia sẻ những ý tưởng ấy đến với những người khác.

Khi bắt đầu những năm tháng bắt đầu được làm việc trong nghề thiết kế, anh thấy việc tạo ra những sản phẩm hình ảnh cũng chính là suy nghĩ và truyền đạt những ý tưởng đến với những người khác, thông qua ngôn ngữ hình ảnh.

Khi bắt đầu bước chân vào kinh doanh, anh cũng cảm thấy kinh doanh là một cách khác để đưa những suy nghĩ, những ý tưởng vào minh chứng trong thực tế.

Tạm dịch: “Ý tưởng thì vô giá trị. Hiện thực hoá ý tưởng mới là tất cả” – Scott Adams.

Khi bắt đầu tổ chức những lớp học đầu tiên, anh cảm thấy việc đứng lên và chia sẻ những ý tưởng, những suy nghĩ mình biết, với vai trò là một người hướng dẫn, cũng lại là một cách khá thú vị và vô cùng trực tiếp để làm điều mà anh vẫn thích làm.

Đến một ngày kia, khi anh cảm thấy mong muốn chia sẻ ấy mạnh mẽ hơn, đến mức anh sẵn sàng tạm gác mọi thứ khác để tập trung cho nó, anh đã hiện thực hoá niềm đam mê này ở một cấp độ mới, đó chính là ADC Academy.

Và khi cảm thấy ADC Academy mới chỉ có thể đem những giá trị sáng tạo đến với những bạn học trong ngành thiết kế, anh có mong muốn tạo ra một sản phẩm nào đó để có thể mở rộng giới hạn này ra cho nhiều đối tượng khác hơn, đó chính là lý do ra đời của quyển sách “Mỗi buổi sáng, hãy tạo ra một điều gì đó mới mẻ”.

Tất nhiên, quyển sách cũng đơn giản chỉ là một bước đi khác, một hình thái khác trong việc anh tiếp tục đi trên con đường thử nghiệm những phương thức để đi theo tiếng gọi từ bên trong của mình. 

Sắp tới, có lẽ anh sẽ có thêm nữa những thử nghiệm mới, và chắc sẽ cứ tiếp tục như thế cho đến cuối đời 🙂

Tạm dịch: “Để trở nên xuất chúng, hãy luôn làm quen với sự không thoải mái” – Alrik Koundenburg.

Anh có nhìn thấy đam mê của mình rõ ràng ngay từ đầu ?

Không, bằng cách khám phá ngày một nhiều hơn về bản thân, về những công việc anh muốn thử nghiệm, anh nhìn thấy cái gọi là đam mê của mình xuất hiện ngày một rõ hơn.

Ví dụ:

Chính bằng cách thử nghiệm qua nhiều công việc: thiết kế, giảng viên, diễn thuyết, kinh doanh, viết sách, … anh nhìn thấy mẫu số chung chính là đam mê của mình.

Khi nào anh biết đó là đam mê của mình ?

Là khi nghĩ rằng nếu mình không làm công việc đó, anh không còn biết mình có thể làm công việc nào khác. 

Hoặc nếu bị buộc phải làm những công việc khác, anh cảm thấy thời gian trôi qua trở nên lãng phí và cuộc sống của mình không có ý nghĩa gì nữa.

Ví dụ:

Gần đây khi tham gia làm thử một công việc thuộc loại lao động chân tay thuần tuý (công nhân gấp bì thư) liên tục suốt 8h đồng hồ, không được và không có thời gian để có thể suy nghĩ, anh cảm thấy thời gian trôi qua thật dài, dù chỉ là làm duy nhất một ngày thôi, anh cũng cảm thấy ngày đó trôi qua thật phí phạm, thật “cực nhọc” và “đau khổ” về mặt tinh thần 🙂

Tạm dịch: “Sáng tạo là nghĩ đến những thứ mới. Cải tiến là làm ra những thứ mới ” – Theodore Levitt.

Anh có tập trung 100% cho đam mê của mình ?

Tất nhiên là anh dành thời gian 100% cho đam mê này, nhưng điều đó không có ý nghĩa là anh chỉ làm những việc thuần tuý liên quan đến đam mê của mình, mà làm tất cả mọi thứ cần thiết để có thể tiếp tục đam mê của mình.

Anh nghĩ, có một số bước cho việc hình thành một đam mê, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn.

– Những giai đoạn ban đầu, có khi chỉ dành được 20% cho đam mê, 80% cho những công việc khác để duy trì và phát triển đam mê. 

– Có những giai đoạn dễ dàng hơn, 50% cho đam mê, 50% cho những công việc để duy trì.

– Cho đến giai đoạn thuận lợi hoặc chín muồi hơn, đó là khi bạn có thể dành 80% thời gian cho đam mê, 20% thời gian còn lại để duy trì.

Nếu bạn có thể dành 80% thời gian và nguồn lực cho đam mê của mình, và 20% còn lại cho những việc khác để duy trì đam mê đó, anh nghĩ đó cũng đã là một thành công đáng kể.

Ví dụ:

Thời sinh viên ở Pháp, khi ấy 80% thời gian anh dành cho đam mê chính là học hỏi nghề thiết kế trong Trường, ngoài ra thì anh sẵn sàng làm tất cả mọi công việc cần thiết trong khoảng 20% thời gian còn lại để có tiền theo học, ví dụ làm phục vụ nhà hàng, phụ bếp, khuân vác, lao động ngoài đồng, … trong những dịp Hè, hoặc bán thời gian buổi tối trong năm học.

Với anh, đi tìm kiếm mục đích, đam mê trong cuộc đời cũng giống như khi chúng ta bước vào một trò chơi đoán ô chữ, hoặc xếp hình.   

Lúc ban đầu, chỉ với một vài mảnh ghép, chúng ta hoàn toàn không có sự rõ ràng về bức tranh hoàn chỉnh. 

Thế nhưng, nếu bạn tiếp tục tìm kiếm, thử sắp xếp những mảnh ghép khác vào những mảnh ghép đã có sẵn, có thể có lúc sai chỗ, có những chỗ cần phải điều chỉnh, đặt vào những vị trí khác, … cứ như thế, bức tranh sẽ dần hiện rõ ra hơn. 

Cho đến một thời điểm, chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh cuối cùng.  

Mỗi một thời điểm, khi chúng ta đưa ra một lựa chọn nào đó cho cuộc đời, cũng chính là lúc chúng ta có cơ hội nhìn thấy thêm một mảnh ghép mới, bổ sung cho bức tranh cuộc đời của chúng ta. 

—–

Hy vọng qua cách trả lời của anh, bạn có thể tìm được những câu trả lời cho chính mình 🙂