Nội dung

NGƯỜI THẦY

Nhân ngày 20/11, tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người Thầy đặc biệt của tôi, người mà tôi tin là một mẫu người Thầy đáng kính trọng mà tôi và bạn đã từng có may mắn gặp một vài người Thầy/ Cô như thế trong đời.

Một câu chuyện vô cùng giản dị, nhưng tôi tin rằng, sẽ có nhiều điểm thú vị mà bạn sẽ yêu thích !

Cuộc đời tôi có may mắn được gặp những người Thầy vô cùng đặc biệt, nhưng đây là người Thầy mà tôi luôn nhớ đến đầu tiên trong những dịp như thế này, đó là người Thầy dạy tôi khi tôi còn học ở Pháp, Philippe Fimbel.

Tôi còn nhớ, sau khi chúng tôi tốt nghiệp, Thầy có yêu cầu chúng tôi một việc mà mãi tận sau này tôi vẫn chưa làm được. Đó là gọi Thầy trực tiếp bằng tên: Philippe, thay vì gọi theo cách xưng hô Thầy Trò là: Mr Fimbel (lý do là vì khi đã thân mật, người Pháp hay thích gọi nhau bằng tên riêng trực tiếp, dù người ấy có thuộc vai vế cao hơn như cha chú, thầy cô, …).

Tôi hỏi:

“Vì sao Thầy muốn em gọi tên trực tiếp như vậy ? Thầy biết là với người Châu Á, việc gọi tên Thầy Cô một cách trống không và trực tiếp như vậy là không được phép ?”.

Thầy nheo mắt cười hóm hỉnh trả lời:

“Tôi biết, nhưng vì tôi muốn theo cách gọi đó, chúng ta sẽ thực sự trở thành 2 người bạn của nhau, tôi không muốn giữa chúng ta còn những khoảng cách”.

Với Thầy tôi, vai trò của một người Thầy không chỉ dừng ở việc cung cấp một vài kiến thức nhất định trong một mảng chuyên môn nào đó, mà vai trò quan trọng nhất của người Thầy là giúp người Trò nhận ra những ưu – khuyết của chính bản thân họ, nhận ra họ là ai, nhận thấy những điều họ mong muốn hướng đến trong cuộc sống.

Để làm được điều đó, với Thầy tôi, mối quan hệ Thầy – Trò trước hết phải là một trong những mối quan hệ có được sự tin tưởng cao nhất.

Người Thầy phải giúp người Trò thực sự đủ tin tưởng ở người Thầy, để có thể cùng chia sẻ những suy nghĩ từ đơn giản đến phức tạp nhất, từ những cảm xúc lặng lẽ và kín đáo nhất, đến những cảm xúc thăng hoa và bồng bột nhất.

Thầy tôi luôn nói, sẽ không có người Thầy nếu không có những người Trò.

Chính những người Trò sẽ phản ánh cho thấy người Thầy của họ là người như thế nào.

Thầy tôi luôn đón nhận những người Trò mới mỗi lần xuất hiện trong cuộc đời hơn 20 năm đi dạy của ông như một trách nhiệm hết sức lớn lao và vĩ đại mà ông có vinh dự đảm trách.

Ông luôn cẩn trọng từng lời khuyên, từng nhắc nhở của mình.

Bởi ông luôn tin rằng, để chỉ dẫn hay dạy dỗ một ai đó điều gì đó, khi mà ông chưa thực sự hiểu rõ về họ, là một sai lầm to lớn.

Ông luôn lắng nghe rất chăm chú, để ý đến từng biểu hiện rất nhỏ của người Học Trò mà ông đang đối diện trước mặt.

Ông ghi chú chi tiết và tỉ mỉ từng dấu hiệu phát triển dù là nhỏ nhất mà ông phát hiện ở người Học Trò của mình, và ông kể về điều đó với sự vui thích như thể một người Nghệ Sỹ phấn khích khi kể về Tác Phẩm tuyệt vời của mình.

Với ông, người Thầy tốt là người Thầy có thể tạo nên những ảnh hưởng tốt lên người Trò, giúp họ phát hiện ra chính họ, nhưng không được phép để lại bất cứ “dấu vết” nào trên người Trò của mình, vì điều đó không được phép.

Khái niệm này lúc ban đầu vô cùng khó hiểu đối với tôi, sau này tôi mới nhận ra ý nghĩa và giá trị to lớn của nó.

Ví dụ theo cách hình ảnh thì nó tương tự như việc một ai đó đã tin tưởng, mở rộng và cho phép ta thấy thế giới nội tâm riêng của họ. Ta có thể bước vào, có thể đóng góp “giúp”, cho “thế giới” ấy trở nên đẹp đẽ hơn bằng cách khiến cho “thế giới” ấy phát triển theo cách tự nhiên nhất của nó, ta không được phép để lại dấu chân, hay thay đổi bất cứ điều gì theo cách mà ta muốn, hay cho là tốt theo cách của ta.

Tôi tin rằng, đây cũng chính là bí quyết thành công của mọi mối quan hệ khác của Thầy, trong đó có mối quan hệ của Thầy với người bạn đời của mình.

Mỗi lần, khi tôi xin Thầy kể cho tôi nghe về bí quyết thành công của một mối quan hệ ấy, mắt Thầy dường như sáng lên pha chút tự hào lẫn chút ngượng ngùng.

Thầy nói:

“Thật ra sẽ là quá huênh hoang nếu nói rằng chúng tôi có bí quyết gì đó, tôi chỉ cố gắng trân trọng, lắng nghe và hiểu cô ấy nhiều hơn, và tôi tin rằng cô ấy cũng vậy.

Chúng tôi làm điều đó bằng việc chia sẻ và lắng nghe nhau mỗi ngày, từ những điều nhỏ nhặt nhất, song song với việc luôn tôn trọng những điểm khác biệt, những góc riêng tư của nhau.

Người này luôn tìm cách quan tâm, mang đến niềm vui cho người kia, tôi tin rằng đó là điều cần làm thường xuyên và liên tục trong mối quan hệ.

Chúng tôi đã luôn tìm cách “tán tỉnh” nhau trong mối quan hệ suốt hơn 22 năm qua”.

Bạn có tin là những lời trên đến từ chia sẻ của một người Thầy đã hơn 62 tuổi khi nói về mối quan hệ tình cảm của mình ?

Những điều này đối với tôi thật giản dị, nhưng cũng thật vĩ đại !

Tôi tin rằng, Thầy tôi xem sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau và điều tối quan trọng và tiên quyết cho bất cứ mối quan hệ nào.

Khi tôi nói với Thầy về ngày Nhà Giáo Việt Nam, Thầy tôi nói rằng:

“Tôn vinh người Thầy chi bằng tôn vinh sự học, là nơi sự kết nối và tương tác đặc biệt giữa người Thầy & người Trò được phép xảy ra.

Cả 2 vị trí Thầy – Trò đều có tầm quan trọng tương đương nhau.

Không chỉ có việc người Thầy giúp người Trò tốt hơn, mà người Trò cũng sẽ khiến cho người Thầy trở nên một người Thầy kiên nhẫn hơn, biết lắng nghe hơn. Qua người Trò, người Thầy sẽ biết cách khiến cho bản thân mình trở nên tốt hơn.

Và khi người Thầy được là chính mình, thì người Trò cũng sẽ được là chính họ”.

——-

Những Thầy xuất sắc luôn là những người biết lắng nghe và học hỏi được nhiều nhất từ những người học trò của họ.

Những người Thầy xuất sắc luôn mong muốn giúp học trò có thể phát hiện ra và trở thành chính mình.

Những người Thầy xuất sắc luôn mong muốn tạo ra được những học trò xuất sắc, vượt xa hơn bất kỳ giới hạn nào mà họ đã đạt được.

… và họ dùng hết nỗ lực & tâm huyết để thực hiện điều đó !

Nhân dịp 20/11 – ngày tôn vinh sự học, xin cảm ơn những người Thầy xuất sắc mà tôi có may mắn được làm học trò của họ, và xin cảm ơn những người Học Trò xuất sắc mà tôi có may mắn được học hỏi từ họ !

Phần kết, xin tặng các bạn câu nói về giáo dục yêu thích nhất của Thầy tôi:

“Giáo dục chính là sự giải phóng con người khỏi những gì đang giam cầm họ”.

– Pierre Bourdieu.

20/11/2018

Tạ Minh Trãi.

#MotDieuChoMoiNgay