Nội dung

TRÒ CHUYỆN VỚI TỈNH THỨC (Phần 2) – SỰ TỬ TẾ  

Một mẩu đối thoại giản dị dưới đây đã khiến tôi suy ngẫm rất nhiều !

Tôi hỏi một ông lão thông thái:

– “Ông ơi, hãy giới thiệu cho con một lĩnh vực mà con có thể tạo nên một sự nghiệp vĩ đại?”

Ông lão trả lời tôi với một nụ cười:

– “Hãy trở thành một người tử tế ! Có rất nhiều cơ hội để phát triển ở ‘lĩnh vực’ này, nhưng lại có rất ít sự cạnh tranh”

——-

Một buổi tối nọ, khi có một số bạn làm kinh doanh đến chia sẻ với tôi rằng, họ rất tâm đắc về khái niệm tử tế mà tôi đã từng có cơ hội giới thiệu cho họ (trong một khoảng thời gian khá ngắn ngủi), tôi bắt đầu thấy mình có trách nhiệm đào xới sâu hơn về ý niệm Tử Tế này ?

Rút cuộc thì sự Tử Tế xuất phát từ đâu, nên hiểu như thế nào, và nên thực hành như thế nào nếu ứng dụng trong công việc, kinh doanh hay cuộc sống ? 

Theo Wikipedia, Sự Tử Tế là:

“Một loại hành vi, đánh dấu bởi những cử chỉ rộng lượng, có cân nhắc; được thể hiện thông qua sự hỗ trợ hoặc quan tâm đến người khác; mà không trông đợi được ngợi khen hoặc có phần thưởng đáp lại.

Sự Tử Tế là một chủ đề được quan tâm trong lĩnh vực triết học, tôn giáo và tâm lý học. Sự Tử Tế cũng là một trong những nội dung chính được đề cập nhiều trong Kinh Thánh. 

Trong Quyển II, sách “Thuật Hùng Biện”, Aristotle định nghĩa Sự Tử Tế như “một sự hỗ trợ đầy hữu ích hướng đến một người đang cần, không vì bất cứ sự hồi đáp nào, cũng không vì lợi ích cá nhân của người giúp đỡ, mà chỉ duy nhất hướng đến người cần được giúp đỡ.” 

Nietzche xem Sự Tử Tế và Tình Yêu Thương như là “loại thảo mộc và tác nhân có tính chữa lành cao nhất trong sự tương tác giữa con người với con người.” 

Trong lời dạy của Meher Baba, một đạo sư tâm linh Ấn Độ, Sự Tử Tế được xem như phẩm chất của chính Thượng Đế hiện thân bên trong con người mỗi chúng ta. 

Với tôi, Sự Tử Tế đơn giản là việc ta làm khi chấp thuận đi theo tiếng gọi của Lương Tâm, khi sự chính trực (trong cách hành xử với người) và thành thật với bản thân (trong cách hành xử với mình) là những điều cần lưu ý cân nhắc. 

Để thực hành và ứng dụng Sự Tử Tế trong công việc, trong hoạt động kinh doanh hay trong cuộc sống, … có thể có rất nhiều con đường:

– Có người vốn sinh ra đã có bản tính thiện lành, tử tế.

– Có người nhờ môi trường giáo dưỡng, mà có được phẩm chất chính trực, tử tế.

– Có người nhờ những va vấp, những nỗi đau trên đường đời, mà tự sửa đổi mình, dần trở nên hiền lành, tử tế.

– Có người nhờ nhận biết và hiểu thấu Luật Nhân Quả, mà trui rèn được phẩm chất liêm chính, tử tế.

– Có người nhờ tu tập và tỉnh giác, mà mọi suy nghĩ – lời nói – hành động đều toát ra sự chân thật, tử tế.

– …

Theo trải nghiệm của cá nhân tôi, một trong những phương thức dẫn đến việc thực hành nghiêm túc và có tính chiều sâu nhất liên quan đến Sự Tử Tế chính là cân nhắc từng những suy nghĩ, lời nói, hành động của mình trong tương quan của Luật Nhân Quả.

——-

Phần 3 – LUẬT NHÂN QUẢ, chia sẻ về một góc nhìn về Luật Nhân Quả, về loại tác Nhân dẫn đến Quả báo nặng nề và nghiêm trọng nhất mọi người hay mắc phải nhưng ít ai để ý.

Nguồn: 

Nội dung được trích trong quyển sách “Kinh Doanh trong sự Tỉnh Thức”

Minh hoạ: Sưu tầm 

#TaMinhTrai

#ynghiacuocdoi

#MotDieuChoMoiNgay