Nội dung

TRÒ CHUYỆN VỚI TỈNH THỨC (Phần 3) – MỘT GÓC NHÌN VỀ LUẬT NHÂN QUẢ 

Tại sao một số người ở một vài thời điểm nhất định lại phải gặp những đau khổ phiền muộn, những tai ương, những vấn đề nghiêm trọng, những đổ vỡ, những hậu quả, … trong cuộc sống cũng như trong hoạt động kinh doanh mà họ không hiểu nguyên nhân, hay lý do vì sao họ phải gánh chịu những hậu quả như vậy? 

Để trả lời thì có thể có rất nhiều cách để lý giải, nhưng nếu tạm rút ra một câu trả lời chung nhất, thì ta có thể mượn khái niệm rất đơn giản về Luật Nhân Quả để giải thích.

Muốn hiểu được sự vận hành của Luật Nhân Quả, bạn có thể suy ngẫm về ví dụ minh họa rất đơn giản dưới đây:

Giả sử nếu chúng ta không quen biết, tự nhiên tôi tát bạn một cái thật đau (gieo Nhân) đủ để khiến bạn tức tối, thì có 3 trường hợp sau có thể xảy ra:

1. Nếu bạn khoẻ mạnh và to lớn hơn tôi, khả năng là bạn sẽ tát lại tôi ngay lập tức, thậm chí đấm, đá lại tôi thêm nhiều cái khác với mức độ gây đau đớn cao hơn để trả thù. 

>>> Đây là loại hậu quả (Quả báo) ngay lập tức, với mức độ trầm trọng còn lớn hơn Nhân đã gieo. 

2. Nếu bạn khoẻ mạnh và to lớn chỉ bằng tôi, chí ít là bạn sẽ tát lại tôi, hoặc đấm, đá lại tôi ngay một cái với mức độ gây đau đớn tương đương để đáp trả.

>>> Đây là loại hậu quả (Quả báo) ngay lập tức, với mức độ hậu quả tương đương với Nhân đã gieo.

3. Nếu bạn yếu thế hoặc không khoẻ mạnh to lớn bằng tôi, bạn có thể sẽ chưa dám tát lại tôi, hoặc đấm, đá lại tôi ngay, … nhưng bạn sẽ nuôi sự căm tức, hận thù này trong lòng và bạn sẽ tìm cách đáp trả tôi sau đó bằng những phương thức trả thù khác, có thể nguy hiểm với mức độ trầm trọng cao hơn rất nhiều (nếu lòng hận thù nung nấu ngày một gia tăng). 

Thậm chí nếu bạn không đủ sức để đánh lại tôi thời điểm này, bạn sẽ hẹn 10 năm sau “trả thù” cũng không muộn. Hoặc nếu đời bạn chưa kịp báo thù, bạn sẽ để đến đời con của bạn. Nếu lúc đó tôi không còn nữa, bạn sẽ nhắn nhủ con bạn báo thù con tôi, vv… oan oan tương báo không biết đến hồi kết !

>>> Đây là loại hậu quả (Quả báo) chưa ngay lập tức, với mức độ trầm trọng tương đương hoặc sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Nhân đã gieo, nhưng do ta không lường trước đến việc này, nên ta thường cho rằng việc này không ảnh hưởng gì nhiều. 

HÌNH THỨC QUẢ BÁO NGHIÊM TRỌNG NHẤT

Loại Quả báo thứ 3 là lại loại Quả báo nghiêm trọng nhất, gây ra cho ta nhiều hậu quả nhất, mà ta lại xem thường nhất. 

Bởi lẽ, trong trường hợp số 1 & 2, ta ít nhiều cân nhắc và lường trước được hậu quả xảy ra, nên ta sẽ không dám làm càn, ít dám gieo Nhân xấu.

Nhưng còn trường hợp số 3, do ta cho rằng mình có “ưu thế hơn”, đối phương sẽ không dám làm gì để đáp trả ta, nên ta không cân nhắc và lường trước được hậu quả xảy ra. 

Điều này dẫn đến rất nhiều việc ta làm đã tạo ra những mầm mống gây tai họa rất lớn, mà ta không lường trước được và không cân nhắc được hết hậu quả của nó. 

VÍ DỤ TRONG TỰ NHIÊN

-Trong Tự Nhiên, lấy lý do để sinh tồn, ta tàn phá thiên nhiên, giết chóc muôn loài, chiếm đoạt những gì có lợi về cho mình, …

Bởi ta cho rằng Tự Nhiên và muôn loài khác là đối tượng mà ta có “ưu thế hơn”, đối phương sẽ không dám làm gì để đáp trả ta, nên ta không cần cân nhắc và lường trước hậu quả xảy ra. 

Nhưng Luật Nhân Quả, là quy luật của Tự Nhiên, gieo Nhân ắt sẽ gặt Quả. 

Việc ta phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, sự suy giảm đường hô hấp, hệ thống miễn dịch, hay sự tụt giảm về sức khoẻ trong chính cơ thể ta mỗi ngày, … chính là Quả báo cho Nhân mà ta đã gieo. 

VÍ DỤ TRONG KINH DOANH

-Trong việc Kinh Doanh, lấy lý do kẻ mạnh là người chiến thắng, với đồng nghiệp, đối tác, nhà cung cấp, … ta tranh quyền, đoạt lợi, phá hoại giá trị chung, “ăn trên ngồi trước” uy hiếp những kẻ yếm thế, chiếm đoạt những gì có lợi về cho riêng mình, …

Bởi ta cho rằng có những đối tượng mà ta có “ưu thế hơn”, đối phương sẽ không dám làm gì để đáp trả ta, nên ta không cần cân nhắc và lường trước hậu quả xảy ra. 

Nhưng Luật Nhân Quả, là quy luật của Tự Nhiên, gieo Nhân ắt sẽ gặt Quả. 

Việc ta phải đối mặt với những thị phi, những sự hãm hại, chơi xấu, trả thù, thất bại, … trong công việc sau này đều chính là Quả báo cho Nhân mà ta đã gieo. 

VÍ DỤ TRONG CUỘC SỐNG

-Trong Cuộc Sống hàng ngày, với người thân, vợ chồng, con cháu, bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh, … ta hay chấp trước, tranh quyền đoạt lý, muốn giành phần ưu thế, có lợi về cho riêng mình, …

Bởi ta cho rằng có những đối tượng mà ta có “ưu thế hơn”, đối phương sẽ không dám làm gì để đối đầu với ta, nên ta không cần cân nhắc và lường trước hậu quả xảy ra. 

Nhưng Luật Nhân Quả, là quy luật của Tự Nhiên, gieo Nhân ắt sẽ gặt Quả. 

Việc ta phải đối mặt với những đau khổ phiền muộn, buồn, vui, hờn, giận, lo, sợ, … trong Cuộc Sống hàng ngày đều chính là Quả báo cho Nhân mà ta đã gieo. 

———

Bởi thế, muốn tu sửa mình để tránh những đau khổ phiền muộn, những tai ương, những vấn đề nghiêm trọng, những đổ vỡ, những hậu quả, … trong cuộc sống, trong công việc cũng như trong hoạt động kinh doanh, không cần phải thật hiểu cao biết rộng.  

Chỉ cần quán xét mọi việc, chiêm nghiệm và tỉnh giác với sự vận hành của Luật Nhân Quả đã là quá đủ !

#TaMinhTrai

#ynghiacuocdoi

#MotDieuChoMoiNgay