Nội dung

TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CÓ TƯ DUY, BẠN GẶT HÁI ĐƯỢC ĐIỀU GÌ ?  

I. Tại sao chúng ta mắc sai lầm ?

“Mọi người đều mắc sai lầm.

Những sai lầm trong việc ra quyết định đều bắt nguồn từ các lỗi tư duy tưởng như đơn giản, nhưng dần dà chúng tích tụ thành những thiên kiến khó bỏ. 

Vậy mà hiếm khi ta nhận ra điều đó, nên sai lầm cứ nối tiếp sai lầm, hệ quả dẫn đến bao hối tiếc vì những quyết định không đúng cho cuộc đời mình: 

– Mãi đeo bám một công việc dù mơ hồ nhận ra rằng rồi sẽ chẳng thu được lợi lộc gì; 

– Cho rằng một dự án thành công suôn sẻ là do tài năng và trí lực của bản thân, còn thất bại do ngoại cảnh yếu tố khách quan hoặc do ảnh hưởng của người khác; 

– Mơ hồ, thiếu quyết đoán, chần chừ do dự trong rất nhiều vấn đề quan trọng của mình; nhưng lại rất rõ ràng, rành mạch về vấn đề … của người ta.

– Ra những quyết định sai lầm quá nhanh, đồng thời lại rất chần chừ, thiếu quyết đoán khi phải rời khỏi chính những sai lầm ấy,

– Đưa ra những quyết định thiếu sót trong kinh doanh & đầu tư, mua bán lúc đã quá trễ, hoặc quá sớm, 

– …”

Trở thành một người có tư duy với những kỹ năng tranh luận, phản biện, tự khai vấn sẽ giúp bạn quen với việc lý luận những ý tưởng của mình một cách chặt chẽ, khúc chiết và logic hơn trước khi đưa ra quyết định, thay vì “hợp lý hóa” chúng (hãy nghĩ về “hợp lý hoá” như là thứ tạo ra thiên kiến xác nhận; đây thường là lúc bạn đưa ra kết luận trước, sau đó mới đưa ra luận điểm để biện hộ cho kết luận đó).

Hợp lý hoá cũng thường xuyên là lỗi của loại Nguỵ Biện Nhân Quả, do bạn quá yêu một việc/ một luận điểm nào trước đó hoặc bạn đã ra quyết định dựa trên cảm xúc, sau đó bạn hợp lý hoá quyết định của mình bằng các lý lẽ tưởng chừng như logic.

VÍ DỤ 1

Bạn nhận được một offer công việc béo bở, bạn nhanh chóng quyết định sẽ nhận offer này.

>>> sau đó bạn tìm ra mọi bằng chứng: 

– Bạn đang cần tiền, 

– Nền kinh tế đang khó khăn, 

– Công việc được offer đến từ một quan hệ quan trọng bạn khó có thể từ chối, …

>>> tất cả chỉ để bạn tự thuyết phục minh rằng quyết định đó của bạn là hoàn toàn chính xác.

VÍ DỤ 2

Bạn mua một món hàng vì cảm xúc: 

– Vì món hàng đang có một khuyến mại lớn 50%, 

– Vì nhà sản xuất sắp hết hàng, 

– Vì đây là món hàng sản xuất với số lượng có hạn (phiên bản limited), … khiến bạn nhanh chóng ra quyết định mua, 

>>> sau đó bạn tìm ra mọi lý do thuyết phục mình rằng, quyết định mua hàng của bạn là hoàn toàn hợp lý.

VÍ DỤ 3

Bạn ra một quyết định đầu tư mặc dù thông tin còn khá mơ hồ và thiếu thuyết phục, nhưng bạn vẫn “xuống tiền” vì một số lý do:

– Bạn đang có một số tiền nhàn rỗi, 

– Tiền phải đẻ ra tiền, 

– Đầu tư nào mà chả có rủi ro,

– Không xuống nước làm sao biết bơi ?

– Thương vụ đầu tư được giới thiệu bởi một nhà đầu tư có kinh nghiệm, đứng đằng sau bởi một tập đoàn lớn, uy tín, …

>>> tất cả chỉ để bạn tự thuyết phục minh rằng việc ra quyết định đầu tư đó của bạn đã là một sự cân nhắc chu đáo ?

Nhưng có thật sự đúng như vậy không ?

Đáng tiếc là không. 

Thực tế chứng minh, dù cho bạn là người tự tin rằng mình giỏi giang hay có năng lực xuất chúng như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn thường đưa ra một đống những quyết định sai lầm.

II. Nguyên nhân gốc rễ nào dẫn đến việc chúng ta thường xuyên phạm phải sai lầm ?

Lý do là bởi, khi con người chúng ta buộc phải diễn giải những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, hoặc phải giải thích hay đưa ra những quyết định trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn phải đối mặt với những sự bối rối và mọi thứ luôn có vẻ không được rõ ràng. 

Có thể, một số những khía cạnh trong cuộc sống dường như khá rõ ràng. 

– Khi mùa mưa đến, chúng ta biết cần mang theo áo mưa trước khi ra ngoài. 

– Khi điện thoại reng, chúng ta biết ai đó ở bên kia đầu dây và có thể sẽ nhấc điện thoại lên. 

– Đèn đỏ có nghĩa là chúng ta phải dừng lại khi đang trên lưu hành trên đường giao thông. 

Tuy nhiên, ở rất nhiều những phạm trù khác, có khá nhiều lĩnh vực kiến thức hoàn toàn khiến chúng ta bối rối. Và khi chúng ta thiếu những thông tin cần thiết để thấu hiểu một trải nghiệm hay khi phải lý giải những thông tin quá phức tạp, sự mơ hồ sẽ xuất hiện trong những tình huống không hoàn toàn rõ nghĩa này.

Khi trạng thái tâm trí bối rối vì sự mơ hồ (còn được gọi là trạng thái bất định), một trạng thái khuếch đại cảm xúc xảy ra. Nó khiến sự căng thẳng trở nên đau đớn, lo lắng và nỗi sợ trở nên đáng lo ngại hơn. 

Điều này dẫn đến việc, Não Bộ của chúng ta (như vai trò “bảo vệ & giữ gìn sự an toàn” vốn có của nó sau tiến trình tiến hoá trong hàng triệu năm) quyết định sẽ đơn giản hoá mọi thứ (để có thể nhanh chóng thoát ra khỏi trạng thái mơ hồ, bối rối, đầy rủi ro) bằng cách “đóng sập” khả năng Tư Duy, và quay trở về với chức năng thuần Bản Năng & Cảm Xúc.

Đây là một trong những cách lý giải cho việc tại sao khi đứng trước những quyết định quan trọng mà:

– Chúng ta thiếu những thông tin cần thiết, 

– Khi phải lý giải những thông tin quá phức tạp, 

– Khi sự mơ hồ xuất hiện trong những tình huống không hoàn toàn rõ nghĩa, 

– Khi trạng thái tâm trí bối rối vì sự mơ hồ,

– Khi trạng thái khuếch đại cảm xúc xảy ra khiến sự căng thẳng trở nên đau đớn, lo lắng và nỗi sợ trở nên đáng lo ngại hơn, …

>>> Chúng ta thường đưa ra những quyết định rất Cảm Tính, Bản Năng và rồi sau đó hợp lý hoá chúng bằng Lý Trí.

Đây cũng là vấn đề sẽ xảy ra nếu chúng ta không tự tin về năng lực Tư Duy của mình.

Nếu được trang bị những kỹ năng tư duy, phản biện, tranh luận, tự khai vấn, … bạn sẽ có thể bình tĩnh tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định theo hướng hoàn toàn khác. 

III. Năng lực Tư Duy giúp chúng ta hạn chế bớt những sai lầm như thế nào ?

Quá trình Tư Duy thông thường bao gồm một số bước sau:

1. Tự quan sát, nhận biết bản thân, 

2. Thu thập dữ liệu, 

3. Xem xét các yếu tố “nhiễu thông tin”, 

4. Xác lập đủ chứng cứ, lập luận phù hợp, 

5. Cân nhắc về yếu tố bối cảnh, phạm vi úng dụng (thời gian/ không gian),

6. Đánh giá các yếu tố & mối liên kết bên trong và bên ngoài hệ thống,

7. Soi xét mối quan hệ Nhân Quả (những ảnh hưởng hoặc hệ luỵ nếu có ở thời điểm hiện tại hoặc tương lai).

Đây là cách các tri thức, các học giả, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các khoa học gia, … trong mọi ngành nghề nên sử dụng để tạo ra công trình nghiên cứu hoặc đưa ra những quyết định của mình, hay đáng nhẽ ra là nên như thế.

Tất nhiên, việc nâng cao năng lực Tư Duy không phải là chiếc “đũa thần kỳ” giúp chúng ta loại bỏ hoàn toàn những quyết định sai lầm. 

Nhưng chí ít, một người có năng lực Tư Duy sẽ có thể hạn chế bớt được những sai lầm nghiêm trọng, giảm thiểu sự tự lừa dối, nhận thức được những lỗi nguỵ biện, không đổ lỗi và ít phán xét hơn.

“Tư duy là một việc khó,

Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều thích phán xét”.

– Carl Jung.


Coach Tạ Minh Trãi

Link Group Zalo để tham gia  tìm hiểu Khoá Huấn Luyện “Nghệ Thuật Tư Duy” do Coach Tạ Minh Trãi hướng dẫn:

https://zalo.me/g/bajbda649

——-

Bài viết mượn một số ý tưởng & khái niệm từ 3 quyển sách:

– Nonsense (Sức mạnh của sự mơ hồ và bí ẩn) – Jamies Holmes.

– The Art of Thinking Clearly (Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch) của tác giả Rolf Dobelli.

– Neuroscience and Critical Thinking (Rèn Luyện Tư Duy Phản Biện) của tác giả Albert Rutherford.