Nội dung

TỰ DO, BUÔNG BỎ & HẠNH PHÚC !

(Chia sẻ tại chương trình Doanh Nhân Hạnh Phúc – Làng Mai)

Định tâm là sẽ học như một tờ giấy trắng, học như một người không biết gì, để trải nghiệm 3 ngày với chương trình Doanh Nhân Hạnh Phúc của Làng Mai.

Loay hoay thế nào mà anh Đoàn Kỳ Thanh lại tác duyên cho gặp gỡ chị Minh Hương, trưởng BTC, rồi lại được chị đẩy lên chia sẻ cùng với những Sư Thầy lớn của Làng Mai, thầy Pháp Khâm, thầy Pháp Niệm, chị Dung – chủ tịch HĐQT PNJ, chị Minh Hương – chủ tịch HĐQT VNDirect, trước một nhóm trên dưới 200 người gồm những Cô/ Chú/ Anh/ Chị Doanh Nhân.

Với vai trò đại diện cho tiếng nói của những người trẻ kinh doanh nhưng lại có duyên sớm tìm đến với Thiền Tập & Chánh Niệm, tôi cũng nhân đó chia sẻ 3 ý nho nhỏ từ góc nhìn của riêng mình, hôm nay ghi lại ở đây cùng với một vài bổ sung cá nhân cho trọn ý, gieo duyên cho những ai cần đến.

Ba điều tôi nhận ra được trên hành trình 12 năm làm kinh doanh, 8 năm đi tìm về chính mình và 6 năm đến với Thiền Tập, liên quan đến TỰ DO, BUÔNG BỎ & HẠNH PHÚC.

 

I. TỰ DO

“Thứ mà bạn sở hữu, cũng đồng thời đang sở hữu bạn”.

⁃ Khuyết Danh

Trong hơn 12 năm kinh doanh của mình, tôi có cơ hội quan sát một vài anh chị, bạn bè, là những người thành đạt ngoài XH, từ những người có vị trí khá cao trong Công Ty Tập Đoàn, cho đến những người tự kinh doanh, sở hữu công việc kinh doanh cho riêng mình.

Điều tôi nhận thấy ở họ là, họ vô cùng khó khăn để dành thời gian cho bản thân mình, bởi họ luôn bận rộn với những cuộc họp hành, những chuyến công tác liên tục, những Dự Án lớn nhỏ không dứt, …

Tôi nhận thấy, dường như công việc kinh doanh đang sở hữu họ, chứ không phải họ đang sở hữu công việc kinh doanh.

Họ đang không sở hữu những Công Ty/ Tập Đoàn, mà các Công Ty/ Tập Đoàn này đang sở hữu họ.

Khi bước vào kinh doanh, có lẽ điều họ mong muốn, là sự Tự do, hay một sự đảm bảo nào đó dành cho bản thân, cho gia đình về mặt tài chính, về sức khoẻ, về cái ăn, cái ở, …

Tuy nhiên, đến một thời điểm nào đó, mặc dù những điều kiện này phần nào đã tương đối đầy đủ, hoặc thậm chí vượt xa những tiêu chí cần & đủ; thế nhưng họ vẫn không dừng lại, … đơn giản là họ không thể dừng lại.

Họ đã tạo nên một cỗ máy, một hệ thống mà họ là mắt xích không thể thiếu, và thế là họ bị “trói buộc” hoàn toàn bên trong hệ thống đó, và từ đó họ không còn có được sự TỰ DO nữa.

Họ trở thành nạn nhân cho chính “công trình” do họ tạo ra !

Tôi đã tự hỏi mình, rằng tôi muốn có được sự thành đạt & danh tiếng nhưng luôn bận rộn, hay tôi muốn có sự TỰ DO ?

Và tôi đã chọn sự TỰ DO.

II. BUÔNG BỎ

“Cuộc đời là một sân khấu, và chúng ta đều là những kịch sỹ”

W. Shakespeare

Trong suốt chiều dài cuộc đời, chúng ta đóng rất nhiều vai diễn khác nhau: vai một người con, một người học trò, một người trưởng thành, một người chồng/ vợ, người cha/ mẹ, một người ông/ bà, …

Vô số vai diễn khác nhau đến với cuộc đời, rất ít người có được lựa chọn cho những vai diễn của mình.

Tôi đã suy ngẫm về câu nói này khá lâu, và càng suy ngẫm về điều này, tôi càng thấy nó chính xác !

Chiêm nghiệm càng sâu về tâm lý, về hành vi, về con người, về giáo dục, … tôi nhận thấy rằng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã được “huấn luyện” để vào những “vai diễn” khác nhau.

NHỮNG KỊCH SỸ KHÔNG ĐƯỢC CHỌN VAI

Khi còn nhỏ, ở nhà chúng ta được dạy rằng phải vào vai một đứa con “ngoan”, phải biết vâng lời, thường xuyên làm việc tốt, …

Khi đi học, chúng ta cần phải vào vai một người trò “giỏi”, phải đạt điểm cao, phải được thầy cô giáo khen ngợi, phải khiến cho ông bà cha mẹ hài lòng, rạng danh dòng họ, …

Bản chất của chúng ta, có thể không thực sự gần với bản chất của vai diễn đó, tuy nhiên, chúng ta buộc phải diễn những vai diễn ấy theo sự dẫn dắt của người “đạo diễn”, ở đây chính là ông bà, cha mẹ, thầy cô, …

Những người “đạo diễn” này, vô tình trở thành những người đầu tiên hướng dẫn cho chúng ta cách phải vào những vai diễn trên sân khấu cuộc đời như thế nào !

Đến lúc học ở những bậc học cao hơn, Cao Đẳng, Đại Học chẳng hạn, chúng ta đã được giao cho những vai diễn phức tạp hơn. Chúng ta được yêu cầu phải trở thành một kỹ sư, một bác sỹ, một nhà kinh doanh, một luật sư, … những vai diễn mới !

Rồi khi ra đi làm, chúng ta tiếp tục đóng vai diễn đó, và tiếp tục “diễn” sâu hơn nữa, trở thành những kỹ sư, bác sỹ, nhà kinh doanh, luật sư, … bất đắc dĩ.

Chúng ta đã diễn vai diễn ấy “giỏi” đến mức ta hoàn toàn quên mất đi bản thân chúng ta là ai.

Trong suốt chiều dài cuộc đời, chúng ta tiếp tục đóng rất nhiều vai diễn khác nhau: vai người chồng/ vợ, người cha/ mẹ, người ông/ bà, …

Vô số vai diễn khác nhau đến với cuộc đời, rất ít người có được lựa chọn cho những vai diễn của mình.

Chúng ta không có lựa chọn bởi chúng ta đã từng đóng quá nhiều vai, chúng ta không còn biết ta là ai, chúng ta không biết ta thực sự muốn gì, chúng ta không biết ta nên chọn vai diễn của mình như thế nào, …

Cuộc sống bận rộn đến mức chúng ta cũng không hề có thời gian để đặt câu hỏi, để thắc mắc về những vai diễn được giao cho. Thậm chí chúng ta còn lầm tưởng rằng vai diễn đó chính là mình. Khi không biết mình phù hợp với “vai diễn” nào, chúng ta sẵn sàng nhận bất cứ vai diễn nào mà người khác đem đến cho ta.

Chúng ta chưa một lần thử đi tìm lại bản thân, chưa một lần đi tìm lại “bản thể” mà chúng ta đã đánh mất.

Chỉ khi chúng ta ý thức được mình là ai, mình sẽ phù hợp với những vai diễn nào, lúc đó chúng ta mới biết cách để chỉ nhận những vai diễn phù hợp với mình.

Khi phát hiện ra điều này, tôi cảm thấy vô cùng thú vị !

Tôi bắt đầu nhận ra và ý thức được về những “vai diễn” mình đang diễn, tôi có thể bắt đầu cho phép mình những lựa chọn:

⁃ lựa chọn diễn hoặc không,

⁃ lựa chọn cho mình những vai diễn phù hợp,

⁃ hoặc thậm chí buông bỏ những vai diễn không còn phù hợp và vui thích sống theo bản thể của chính mình mà tôi dần dần tìm lại được.

Và thế là tôi đã tự hỏi mình, rằng tôi có muốn tiếp tục những vai diễn kiểu cách hào nhoáng, nhưng không dành cho tôi, hay tôi muốn thực sự tìm lại chính mình ?

Và tôi đã chọn BUÔNG BỎ.

III. HẠNH PHÚC

“Chúng ta không thể cho người khác thứ mà chúng ta không có !”

⁃ Khuyết Danh

Tôi tin rằng rất nhiều anh chị, bạn bè mà tôi quen biết, đến với kinh doanh để mong muốn đem lại sự đảm bảo về mặt tài chính, sự hạnh phúc trong gia đình, một tương lai tốt đẹp cho con cái, …

Tuy nhiên, sau đó họ “hoàn toàn” bị sở hữu bởi công việc, bởi sự bận rộn mà họ tạo ra, đến nỗi họ hoàn toàn đánh mất hạnh phúc của chính bản thân, đánh mất cái hạnh phúc mà từ ban đầu họ đã định tạo dựng cho gia đình và những người yêu thương của mình.

Không có thời gian chăm sóc, lắng nghe con cái, không có thời gian dành cho bữa cơm gia đình, không có thời gian dành cho chính bản thân, … Hạnh phúc cứ thế ngày một xa hơn !

Và rồi, khi gia đình đổ vỡ, con cái hư hỏng, thân thể mang bệnh tật họ bắt đầu than vãn, rằng tại sao họ nỗ lực như thế, cố gắng như thế, vậy mà Hạnh phúc lại rời xa họ ?

Một kịch bản buồn, một kết cục không có hậu, tuy nhiên lại vẫn đã và đang diễn ra vô số bên ngoài kia !

Chúng ta không thể cho người khác thứ mà chúng ta không có !

Trong quá trình bận rộn theo đuổi những mục tiêu, những ước mơ, những hoài bão để chờ đến ngày có được Hạnh phúc, rất hiếm hoi họ có được những thời khắc được tận hưởng Hạnh phúc !

Họ theo đuổi những phương tiện (tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, …) để phục vụ Hạnh phúc, nhưng họ chưa từng chạm đến Hạnh phúc !

Họ luôn bám đuổi theo những Kẻ phục vụ (những phương tiện), nhưng chưa từng được đến gần với Ông chủ (Hạnh phúc) !

Họ đã dần biến mình trở thành những người “chờ đợi hạnh phúc” chứ không phải những người được tận hưởng hạnh phúc !

Và thế là tôi đã tự hỏi mình, rằng tôi muốn trở thành một người “chờ đợi hạnh phúc” hay tôi muốn được tận hưởng hạnh phúc ?

Và tôi đã chọn tận hưởng HẠNH PHÚC NGAY BÂY GIỜ.

——-

VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ?

Sư ông làng Mai – Thích Nhất Hạnh đã có một chỉ dẫn rất cụ thể và đơn giản:

Lắng nghe – Thấu hiểu – Yêu thương – Bình an – Hạnh phúc !

Phần diễn giải dưới đây theo sự hiểu của tôi:

1. Lắng nghe ?

Bắt đầu bằng việc lắng nghe chính mình trong từng hơi thở, trong đi – đứng – nằm – ngồi – ăn – ngủ – vui chơi – ca hát, … quan sát mọi thứ trong Chánh Niệm.

2. Thấu hiểu

Chỉ khi lắng nghe đủ sâu, ta mới có thể dần thấu hiểu, dần nhận ra bản chất của mọi sự như thể là chính nó !

Khách quan vô tư, không còn tâm phân biệt, không phán xét, không định kiến, không bám chấp !

3. Yêu thương

Chỉ khi thấu hiểu ta mới có thể yêu thương.

Khi nhận ra bản chất mọi sự đều chỉ là một, mọi phân biệt bám chấp đau khổ đều đến tự Tâm ta, ta sẽ có sự thấu cảm, yêu thương với bản thân, với những người xung quanh, với vạn vật !

4. Bình an

Một người không còn bám chấp, không còn tâm phân biệt, không còn đau khổ có thể bình an với mọi sự.

Có thể đối mặt với niềm vui cũng như nỗi buồn với một tâm thái đón nhận như nhau, đó chính là sự Bình an !

5. Hạnh phúc

Hạnh phúc chính là lắng nghe và quan sát mọi thứ trong Chánh Niệm.

Hạnh phúc chính là sự thấu hiểu, cảm thông được với bản thân và với những người xung quanh.

Hạnh phúc chính là tình yêu thương vô bờ bến đối với vạn vật.

Hạnh phúc chính là sự bình an từ bên trong, sự tiếp nhận với nụ cười cho mọi đau khổ.

Hạnh phúc chính là sự hân hoan an lạc tự tại trong từng phút giây !

Đây cũng chính là thành quả của sự Giác ngộ !

——-

Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên,

Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

⁃ Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Nguyện cho mọi chúng sinh sớm nhận biết được người Thầy vĩ đại bên trong, sớm tìm được con đường Giác ngộ giải thoát, sớm có thể tìm đến được với sự hân hoan an lạc tự tại trong từng phút giây !

Tạ Minh Trãi

Trúc Lâm Yên Tử

11/2020