Nội dung

REVIEW – CẢM NHẬN CÁ NHÂN VỀ NHỮNG ĐIỂM (+) & (-) CỦA PHIM BỐ GIÀ

“Viết những điều muốn viết, như thể không ai sẽ đọc.

Làm những việc cần làm, như thể không ai sẽ ngợi khen.”

Nghe quá nhiều lời khen từ phía bạn bè, đặc biệt là một số anh em trong giới chuyên môn, phê bình, đạo diễn, … về phim Bố Già của Trấn Thành, nên tôi cũng tò mò đi xem thử, mặc dù dạo gần đây không thường xuyên ra rạp cho lắm !

Sau đây là một vài cảm nhận cá nhân của tôi về bộ phim, khen có, chê có, có spoil nhẹ một số tình tiết, nên mọi người cân nhắc trước khi đọc nha 🙂

 

ĐIỂM (+)

 

1. Ý tưởng chủ đạo ?

Bộ phim tìm được ý tưởng chủ đạo rất đúng tâm lý xem phim của đối tượng trẻ ngày hôm nay, đó là chủ đề sự khác biệt trong suy nghĩ & lối sống của 2 thế hệ trong cùng một gia đình. 

Một số tình tiết mâu thuẫn mang tính chất “nhấn mạnh” vào tư tưởng chủ đạo này ở phần đầu bộ phim cho khán giả cảm nhận rõ nét hơn điều này. 

Ví dụ như việc Bố Già Ba Sang – Trấn Thành giặt giày style Dirty, may vá quần áo style “rách rưới” của ông con trai Quắn – Tuấn Trần, cắt áo bụi bặm để dành của con trai làm váy cho con gái, …

Đây là một kỹ thuật định hướng – dẫn dắt, đặt tiền đề một cách rõ ràng, trực diện về ý tưởng chủ đạo ngay từ đầu của bộ phim để khán giả dễ theo dõi.

 

2. Diễn xuất ?

Nhiều anh em bạn bè khen diễn xuất của Trấn Thành, nhưng theo tôi, nhân vật Tuấn Trần có lẽ mới là nhân vật diễn xuất đạt nhất bộ phim. Chàng trai này đương nhiên sẽ trở thành Hotboy trên MXH cũng như sẽ trở thành mẫu nam lý tưởng của các chàng trai cô gái tuổi đầu teen, giữa teen và “tàn teen” 😀

Khen là bởi Tuấn Trần diễn xuất đúng với con người của cậu, cậu hợp với vai diễn được giao, và cậu làm cho nó bật ra được cái chất cần có của vai diễn.

Vai diễn này cần sự ngổ ngáo, bất cần đời, pha chút trí thức hiểu biết về “cách ứng xử trong cuộc đời” cần được “dạy” lại cho những thế hệ trước của thời đại văn minh 4.0 🙂 

Một số câu thoại đại ý như: 

– “Mỗi người nên sống cuộc đời của nhau”, 

– “nên để cho mỗi thế hệ học cách chịu trách nhiệm, học cách chấp nhận sai lầm”, 

– “những thế hệ trước làm nhiều, chỉ dạy nhiều nhưng chưa chắc đã đúng”, … 

đã đánh rất trúng tâm lý của những thế hệ X, Y, Z … khiến cho khán giả trẻ có cảm giác đồng cảm với bộ phim. 

Đây là một điểm hay mà biên kịch/ đạo diễn đã làm được.

 

3. Cái Khóc – Cái Cười ?

Sự mâu thuẫn đối lập “cần-được-cân-đối-điều-chỉnh” trong một gia đình 2-3 thế hệ cùng sống của Á Đông đã được hài hước hoá và tô vẽ thành công, điều này mang lại nhiều Cái Cười cho bộ phim.

Các tình tiết như việc may vá lại quần áo của Qoắn, đem bàn thờ vào để giữa căn hộ cao cấp (dù chỉ đến ở có 1 tuần), rủ rê họ hàng đến tụ tập nhậu nhẹt, … đã khiến khán giả có những tràng cười sảng khoái.

Cái Khóc của bộ phim đến từ một số tình tiết liên quan đến sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái; sự ăn năn, hối cải, xin lỗi của con cái dành cho cha mẹ; sự chuyển hoá từ gã xấu xa trở thành kẻ thiện lương, … đã lấy được những giọt nước mắt của khán giả. 

Phương pháp tuy cổ điển nhưng được xử lý khéo, nên cũng đã tạo được cảm xúc cần thiết nơi khán giả.


ĐIỂM (-)


1. Vai diễn Ba Sang ?

Trấn Thành là một MC đa năng, một diễn viên hài tài ba, nhưng việc tham gia quá nhiều vai trò trong bộ phim, từ nhà sản xuất, đồng đạo diễn, biên kịch, âm nhạc, cho đến diễn viên chính dường như hơi quá sức của một con người, cho dù Trấn Thành rất tài năng.

Các cuộc đối thoại nhau nhảu, trả treo liên tiếp theo lối hiện đại với những “ngôn từ 4.0” trong mối quan hệ Cha – Con giữa Ba Sang & Quắn khiến tôi thấy vai này hơi hiện đại quá so với một nhân vật Ba Sang.

Ba Sang – Trấn Thành quá thông minh, quá lanh lẹ, quá “4.0” so với một bác giao gạo 🙂 

Những cuộc đối thoại ấy, tôi thấy nó là những cuộc đối thoại của Trấn Thành & Tuấn Trần, của 2 con người không quá nhiều sự khác biệt về thế hệ, nhiều hơn là của Ba Sang & Quắn 🙂 

Điều sẽ khiến tôi cảm thấy dễ chấp nhận Ba Sang Trấn Thành hơn, đó là giá như đây là phiên bản “Ơn giời cậu đây rồi” bước từ sân khấu trường quay lên màn ảnh, thì sẽ hợp lý hơn nhiều. Bởi đó là nơi Trấn Thành có thể hoá thân vào rất nhiều vai, nhưng chỉ để cười thôi, không cần bận tâm đến việc người xem cần được nhập tâm thực sự với nhân vật. 

Dẫu biết phim là hư cấu, là không thực, chính vì thế tôi, trong vai trò người xem, lại càng cần được cảm nhận nhân vật “thật” nhất có thể, để có thể thoải mái thả hồn phiêu lãng với những tình tiết, những cảm xúc của bộ phim.

Ở đây, riêng việc lúc nào cũng bị hút vào bộ ria giả của Trấn Thành, cộng với lớp da đồi mồi dù đã được hoá trang, khiến tôi có cảm giác đang xem Trấn Thành diễn “Ơn giời cậu đây rồi” trong suốt bộ phim, chứ không phải đang theo dõi cuộc đời của Ba Sang.

Với tôi, giả sử diễn viên Việt Anh, Hữu Châu hay Trung Dân đóng vai nhân vật Ba Sang thì nhân vật này chắc sẽ “thật” và sống động hơn nhiều !

Tuy nhiên, có thể điều đó sẽ không thể mang lại doanh thu cao ngất ngưởng như khi Trấn Thành trực tiếp thủ vai. Nên với tôi, đây cũng là điều đáng tiếc.


2. Vũ Ngọc Đãng ?

Tôi rất thích cách làm phim của Đãng trong một vài phim trước đó. 

Tuy nhiên, trong bộ phim Bố Già, nếu không đọc trong phần credit, hoặc xem trong poster phim, chắc có lẽ tôi sẽ không biết có Đãng làm đạo diễn của phim.

Tuy thấp thoáng một vài tình tiết nhè nhẹ của Đãng trong phim, nhưng quá mờ nhạt để có thể cảm nhận, quá “nhẹ” để có thể tăng “sức nặng” cho chất lượng của bộ phim.

Nên tôi vẫn cho rằng, nếu đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có “đất diễn” hơn, có thể bộ phim sẽ có một màu sắc quan trọng cần thiết hơn ?


3. Cái Kết ?

Cái kết của bộ phim khiến cho tôi hơi bị hụt.

Ca mổ không thành công có thể do nhà biên kịch/ đạo diễn muốn để lại một sự tiếc nuối, hoặc một sự nhận ra cho khán giả, rằng cuộc đời không luôn như chúng ta kỳ vọng, nên cần phải luôn nỗ lực sống, cho & nhận khi còn có thể …

Tuy nhiên, cách xử lý tình tiết khiến cho tôi có cảm giác bị thiếu một tình tiết nào đó. 

Ví dụ như cảnh Ba Sang tuy đồng ý sẽ mổ để vừa lòng báo hiếu của Quoắn, nhưng lại sẽ có một chủ ý riêng, lựa chọn cái chết trong thoả thuận riêng với phía bác sỹ (điều này Quoắn và các nhân vật trong phim không hề biết, chỉ Ba Sang, bác sỹ và khán giả biết) thì sự ra đi của Ba Sang & cái kết của bộ phim theo tôi sẽ ấn tượng hơn nhiều !

Tóm lại, theo góc nhìn của một kẻ ngoại đạo như tôi, điều đáng tiếc là điện ảnh của chúng ta vẫn còn chờ một thời gian nữa, để có một tác phẩm “thật”, một tác phẩm thực sự wow về mặt nghệ thuật đồng thời đạt kết quả cao về mặt doanh thu … như kiểu Parasite 😀 

Bên cạnh đó, điều đáng mừng là chúng ta đang trên đường đi đến cái đích đó, có thể không còn xa nữa với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những bộ phim Việt trong thời gian gần đây.

Mọi người hãy ra rạp xem Bố Già, đó cũng chính là cách chúng ta giúp cho những bộ phim Việt có niềm tin và động lực để thấy rằng khoảng cách kia không còn bao xa nữa 🙂 

Xin chúc mừng nghệ sỹ Trấn Thành, ghi nhận & trân trọng những thành quả đạt được của ekip làm phim !


Tạ Minh Trãi

12/03/2021